NON SÔNG, GẤM VÓC VIỆT NAM DO PHỤ NỮ TA, TRẺ CŨNG NHƯ GIÀ RA SỨC DỆT THÊU MÀ THÊM TỐT ĐẸP, RỰC RỠ !      -      PHỤ NỮ LẠNG SƠN "TỰ TIN, TỰ TRỌNG, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG" !    -      PHỤ NỮ LẠNG SƠN TÍCH CỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!       -      SIẾT CHẶT KỶ CƯƠNG, TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM, QUYẾT LIỆT HÀNH ĐỘNG, SÁNG TẠO BỨT PHÁ      -      PHONG TRÀO THI ĐUA "XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ XỨ LẠNG THỜI ĐẠI MỚI     -      CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930-03/02/2024)!     -      
Tài liệu tuyên truyền

Tài liệu tuyên truyền (155)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 60 NĂM ĐỘI QUÂN TÓC DÀI GẮN VỚI KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NỮ TƯỚNG NGUYỄN THỊ ĐỊNH – CỐ CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ KỶ NIỆM 55 NĂM PHONG TRÀO “BA ĐẢM ĐANG”

 

Kỷ niệm 60 năm Đội quân tóc dài (17/1/1960 – 17/1/2020)

Tình hình Bến Tre trước Đồng khởi

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954 công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam. Đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn độc lập, miền Nam tạm thời còn chính quyền miền Nam, sau 2 năm sẽ có hội nghị hiệp thương để tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà.

 Trong giai đoạn 1957-1959, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Tháng 5/1959, Ngô Đình Diệm ban hành Đạo luật 10/59 công khai tàn sát, làm nhiều cán bộ, đảng viên cộng sản bị giết hại và nhiều đồng bào bị tù đày. Về kinh tế chúng cướp quyền lợi ruộng đất của nông dân được hưởng trong kháng chiến, tăng tô cao, thuế nặng. Đến cuối năm 1959, chúng bắt tù đầy trên 17.000 người, từ chỗ toàn tỉnh Bến Tre có trên 2.000 đảng viên với 115 chi bộ sau khi bị bắt bớ, bắn giết chỉ còn 18 chi bộ với 162 đảng viên.

Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng đã quyết định cho phép lực lượng miền Nam sử dụng bạo lực kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để lật đổ chính quyền Mỹ - Diệm.

Sự ra đời của “Đội quân tóc dài” độc nhất vô nhị ở Việt Nam      

Đội quân tóc dài” của tỉnh Bến Tre ra đời trong phong trào Đồng Khởi dưới sự lãnh đạo của cố nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Là nơi nổ ra đầu tiên ở Bến Tre - huyện Mỏ Cày đêm 17/1/1960 nhân dân đã đồng loạt đứng lên Đồng khởi. Sau đó, ngày 26-1-1960, địch huy động nhiều đơn vị vũ trang gồm cả quân chủ lực mạnh có đủ xe chiến thuật và bảo an với hơn một vạn tên địch, đánh thẳng vào ba xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày. Chiến dịch khủng bố này lấy tên là “Bình trị Kiến Hòa” (lúc này Bến Tre mang tên là tỉnh Kiến Hòa) với mục tiêu là phải đè bẹp phong trào cách mạng, đè bẹp ý chí quần chúng và tiêu diệt lực lượng vũ trang ta đang trong trứng nước.

Để đối phó với âm mưu gian hiểm này, ngày 15-3-1960, Tỉnh ủy Bến Tre tập hợp hơn 5.000 phụ nữ gồm đủ các thành phần, đủ mọi lứa tuổi, tổ chức thành một đoàn hơn 200 ghe xuồng kéo vào ngay quận trưởng Mỏ Cày, đòi chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con có thể trở về yên ổn làm ăn... Trước những áp lực của đông đảo quần chúng, quận trưởng Mỏ Cày đành phải hứa sẽ chuyển ngay yêu sách của đồng bào lên Tỉnh trưởng Bến Tre và ra lệnh giúp đỡ đồng bào để nhằm xoa dịu dư luận. Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, trước sức ép mạnh của những người phụ nữ không một khẩu súng, tấc sắt trong tay, song ý chí kiên quyết của chị em đã không chùn bước, cả binh đoàn sừng sỏ hàng ngàn tên lính đầy súng ống của kẻ địch đành phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân tại đây. 

Chiến công nối tiếp chiến công của “Đội quân tóc dài”

Từ năm 1961 trở đi, “Đội quân tóc dài” của tỉnh Bến Tre phát triển lên đến hơn 3.000 người, chiếm 1/9 số nữ du kích trong toàn miền Nam vào thời bấy giờ. Dù đã bị địch đàn áp, tra tấn dã man nhưng hầu như chị em vẫn lăn lộn trong nhân dân, được nhân dân đùm bọc. “Đội quân tóc dài” không hề khuất phục, không ai tiết lộ bí mật, giữ gìn khí tiết, quyết tâm đấu tranh, góp phần cùng với các lực lượng vũ trang tỉnh, làm nên cuộc Đồng khởi vang dội khắp chiến trường miền Nam, buộc Tổng thống Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh với miền Nam Việt Nam - từ “Chiến thuật Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh Cục bộ”. Từ Bến tre, “Đội quân tóc dài” đã phát triển lan ra các tỉnh trong vùng lân cận, như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiến Tường (Mỹ Tho), Sa Đéc, Cao Lãnh, Long An… với một khí thế mà như Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá, là có sức lan tỏa từ đấu tranh chính trị lan sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang trên toàn miền Nam.

Về phía địch, sau thất bại cay đắng này, chúng càng dùng nhiều thủ đoạn đối phó phong trào đấu tranh một cách thâm độc và quyết liệt hơn. Để phá những cuộc biểu tình của "đội quân tóc dài", chúng cho bọn tay sai ác ôn dùng sơn viết khẩu hiệu “Đả đảo Cộng sản” lên nón mà chị em đang đội, chị em tháo ra ném nón, đội khăn hoặc để đầu trần. Chúng viết sơn lên áo, chị em cởi áo ngoài, chỉ còn áo lót bên trong. Rút kinh nghiệm, các lần sau hễ đi đấu tranh thì họ mặc nhiều áo và khoác bên ngoài thêm chiếc áo rách. Thấy không hiệu quả, chúng xoay sang dùng kéo, xông vào cắt mái tóc dài của các chị em; song, những hành động điên cuồng đó đã bị ngay chính binh sĩ ngụy phản đối vì trong hàng ngũ đấu tranh có nhiều người là vợ, là chị, là em của binh lính đang cầm súng. Chúng đành phải bỏ trò cắt tóc, chuyển sang hành động dùng dây thép gai vây lại, bắt chị em đem ngâm nước, phơi nắng, tệ hơn chúng còn dùng kế cởi quần áo làm nhục chị em… Thế nhưng, trong thời gian 2 năm 1960 - 1961, kẻ địch càng đàn áp dã man, trắng trợn thì phong trào đấu tranh của chị em phụ nữ càng quyết liệt, không khuất phục bất cứ trận nào, cuối cùng âm mưu của chúng bị thất bại thảm hại. “Đội quân tóc dài” đã kiên cường và liên tục đấu tranh phá hầu hết các ấp chiến lược, chống bình định nông thôn, chống hành quân càn quét, chống phi pháo huỷ diệt và dồn quân bắt lính của Mỹ Ngụy.

Từ đó về sau, tổ chức lực lượng đấu tranh của “Đội quân tóc dài” ngày càng có tổ chức chặt chẽ, quy củ và linh hoạt. Chị em có lực lượng xung kích và chủ công; có hợp đồng lực lượng nhiều địa phương, có tiếp tế, có hậu cần tải thương, khi bị khủng bố, hay có thay quân và bổ sung cần thiết, kiên trì đấu tranh giành được thắng lợi buộc kẻ thù phải thất bại trận này đến trận khác… Trận tuyến chiến tranh nhân dân, có lẽ là sự ra đời từ đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam kiên cường.

Nhìn về toàn cục của cuộc cháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, từ phong trào Đồng khởi khi mới ra đời “Đội quân tóc dài”, đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, “Đội quân tóc dài” đã tham gia trực tiếp đánh giặc, góp phần làm tan rã chính quyền Việt Nam cộng hòa ở cơ sở, góp phần đi tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Mùa Xuân 1975.

Bằng những chiến công oanh liệt, “Đội quân tóc dài” đã góp phần quan trọng cho cách mạng miền Nam đi tới thắng lợi hoàn toàn. “Đội quân tóc dài” trở nên như một huyền thoại độc nhất vô nhị trên cả miền Nam và cả đất nước ta dám đánh Mỹ và thắng đế quốc Mỹ - đế quốc hùng mạnh, giàu nhất thế giới vào thế kỷ XX.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nữ tướng Nguyễn Thị Định – Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà tham gia hoạt động cách mạng năm 1936 khi vừa tròn 16 tuổi, hai năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Khi bà mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt ông Bích. Ông bị kết án 5 năm tù, bị đày biệt xứ rồi hy sinh tại Côn Đảo.

Ngày 19/7/1940, bà và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con bà về Khám Lá (Bến Tre). Bà buộc phải xa con, gửi con trước khi bị đi đày ở Bà Rá tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Năm 1943, ngay khi vừa ra tù, bà liên lạc với tổ chức Đảng tiếp tục hoạt động cách mạng tại Châu Thành. Năm 1945, bà cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng rầm rộ tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Tháng 3/1946, bà cùng với đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, xin chi viện đưa được 12 tấn vũ khí về miền Nam. Năm 1954, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, bà gửi con trai ra miền Bắc còn mình ở lại miền Nam chiến đấu. Nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm không những không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ mà còn trắng trợn đàn áp trả thù những người kháng chiến cũ. Chúng treo thưởng 10.000 đồng cho ai bắt hoặc giết được bà Nguyễn Thị Định. Những ngày gian khó và hiểm nguy ấy, bà đã cải trang thành người tu hành, người chăn vịt, người đi buôn, người đi ở... lặn lội khắp vùng Nam Bộ để chắp mối gây dựng lại phong trào. Nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân nên bà đã qua mắt được bọn địch.

Cuối năm 1959, ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề, ngụy ở hàng trăm thôn, xã phải tan rã. Đặc biệt, đêm 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bà vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch chống càn, vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị với phương châm “Ba mũi giáp công” và thành lập nên “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi của bà gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” kể từ đó.

Sau phong trào Đồng khởi, bà làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Niềm vui đến cũng là lúc tin buồn đến. Người con trai Nguyễn Ngọc Minh của bà ở miền Bắc bị bệnh và qua đời ngày 4/5/1960. Bà bàng hoàng, đau xót, trái tim như có bàn tay ai bóp nghẹt. Tình yêu, hy vọng của bà gửi gắm vào đứa con trai nay đã không còn nữa nhưng nhớ lời chồng dặn: “Dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận thương đau, tù đày, cái chết”, bà nuốt nước mắt, lao vào hoạt động. Năm 1961, bà là Khu ủy viên Khu 8. Năm 1964, bà được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1965, tại Đại hội phụ nữ toàn miền Nam, bà được bầu là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Cũng năm đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (lúc đó đang giữ cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam) mời bà sang gặp Bộ Tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Tư lệnh phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”

Bà giữ cương vị này từ năm 1965 đến năm 1975, đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sự có mặt của bà trong Bộ Chỉ huy Miền đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân.

Giữa chiến trường ác liệt, người phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu, tóc búi cao, giản dị trong bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, luôn mỉm cười khi đi thăm các chiến sĩ. Như một người mẹ, người chị, bà hiểu thấu những nét đời sống tưởng như bé nhỏ, giản đơn nhất của người lính nơi chiến trường. Thiếu tướng Nguyễn Thị Định được cán bộ, chiến sĩ gọi bằng cái tên trìu mến “chị Ba”, “cô Ba”. Mỗi lần đến thăm đơn vị, ngoài việc kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức, huấn luyện, tác chiến, quân sự, “chị Ba”, “cô Ba” còn tận tâm chăm lo nơi ăn, ở, giải trí, quan tâm đến cuộc sống riêng tư của cán bộ, chiến sĩ. Trong chiếc ba lô mang theo khi đi công tác, ngoài tư trang lúc nào trong ba lô của bà cũng có sẵn kim chỉ để sẵn sàng vá áo cho bộ đội; có lọ dầu, túi đường, viên thuốc bổ dành cho thương, bệnh binh... Cái gì tốt nhất, quý nhất bà được trang bị, bà đều để dành cho bộ đội. Nơi nào bà đến thì cuộc sống của bộ đội như vui hơn, bếp lửa như hồng hơn, nhiều món được chế biến ngon hơn dù chỉ là củ mì, măng rừng, rau rừng...

Ngày 17/4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bà: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Sau ngày thống nhất đất nước, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Bà đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, trái tim của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước, đã có nhiều đóng góp lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân. Bà được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 1968, bà được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin. Ngày 30/8/1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi bà mất, nhân dân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) đã lập bàn thờ bà trong đền thờ Hai Bà Trưng. Tên của bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam. Ngày 18/10/2011, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà trưng bày Khu lưu niệm nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Đây là nơi giới thiệu và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Định.

Kỷ niệm 55 năm Phong trào “Ba đảm đang”

Năm 1964, trong khi toàn Miền Bắc đang hăng hái xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì đế quốc Mỹ đã ồ ạt dùng không quân và hải quân leo thang bắn phá hòng huỷ diệt miền Bắc, quyết tâm đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hàng triệu phụ nữ đủ các tầng lớp, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo đã hăng hái đứng lên đánh giặc cứu nước, bảo vệ và xây dựng miền Bắc XHCN, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, toàn miền Bắc đã dấy lên một phong trào tình nguyện vào miền Nam chống Mỹ cứu nước; đồng thời vừa tích cực lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Khắp nơi, thanh niên nô nức lên đường tòng quân, xung phong đi chiến đấu. Phụ nữ các địa phương hăng hái làm đơn tình nguyện gửi Uỷ ban nhân dân, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam... xin được làm thêm những công việc của nam giới để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu. Đứng trước khí thế cách mạng đó, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với 3 nội dung:

- Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu

- Đảm nhiệm gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu

- Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu.

Phong trào do Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, chủ động đề xuất với TW Đảng và chính thức phát động vào tháng 3/1965 trên toàn miền Bắc. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sửa lại là phong trào “Ba đảm đang”.

Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam cũng như hoạt động của Hội LHPN Việt Nam. Với việc tham gia tích cực trong phong trào Ba đảm đang, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện được vai trò, khả năng cách mạng to lớn, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của hàng chục triệu phụ nữ thời đại Hồ Chí Minh.

Trên mặt trận lao động sản xuất, hàng triệu phụ nữ nông dân vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu với khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, chị em đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ đồng ruộng, tích cực học tập và áp dụng thành thạo kỹ thuật mới, hăng hái học cầy, học bừa, sử dụng các loại công cụ cải tiến và cơ khí nhỏ. v.v... Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, hàng triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm hăng hái thi đua lao động sản xuất. Với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân đã nêu cao tính tiền phong gương mẫu của giai cấp công nhân, kiên quyết gửi con đi sơ tán, anh dũng bám sát vị trí sản xuất và chiến đấu. Lao động quên mình để giữ vững và phát triển sản xuất ngay dưới làn bom đạn của kẻ thù. Trên các công trường, xí nghiệp, hầm mỏ, chị em tham gia sôi nổi các phong trào thi đua “Giỏi một nghề, biết nhiều việc”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... Với tinh thần kiên cường bám máy sản xuất, dũng cảm chống địch đánh phá, bảo vệ nhà máy, khẩn trương tranh thủ sản xuất, nhiều nhà máy, xí nghiệp đông nữ đã liên tục hoàn thành kế hoạch từ 5 đến 12 năm.

Chẳng những là lực lượng lao động đông đảo, sáng tạo trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, phụ nữ còn là lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức gan dạ, dũng cảm. Thực hiện khẩu hiệu” Tay búa, tay súng”, “ Tay cày, tay súng’, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào các lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu ở khắp mọi nơi, từ miền xuôi đến miền núi. Nhiều chị em đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, với tinh thần gan dạ, thông minh, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, chiến thuật quân sự đã phối hợp với các đơn vị bộ đội, dân quân, góp phần bắn rơi 4.181 máy bay Mỹ. Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Nhiều nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, phục vụ trong các ngành khoa học hiện đại ở các binh chủng, tham gia các công tác thông tin, hậu cần, quân y, quân nhu, quân giới v.vv...

Ở lại hậu phương, được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, chị em đã tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thuỷ chung, vừa sản xuất vừa hoạt động xã hội, vừa lo công việc gia đình, góp phần bảo đảm cho hàng triệu con em được ăn no, mặc ấm, được học hành. Trong phong trào toàn dân ủng hộ bộ đội và chăm sóc gia đình bộ đội, nổi bật là hoạt động vô cùng phong phú, sinh động của Hội mẹ chiến sĩ. Hàng vạn bà mẹ có tấm lòng yêu nước thương con, vừa tích cực động viên con cháu mình lên đường giết giặc, vừa ân cần nuôi nấng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ, chiến sĩ khác như con cháu mình.

Thực tiễn hoạt động của phong trào Ba đảm đang đã chứng minh vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được nâng lên một tầm cao mới. Chị em chẳng những đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ người công dân trên các lĩnh vực sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu và chiến đấu mà còn tích cực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất và nghị lực để gánh vác mọi nhiệm vụ mới nặng nề hơn thay thế nam giới đi chiến đấu. Do đó, trách nhiệm và vai trò của phụ nữ với gia đình và xã hội được nâng lên gấp bội. Hoàn cảnh lịch sử đó cũng là thời cơ thuận lợi phát huy tiềm năng, trí tuệ của hàng triệu phụ nữ. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, lập nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”, góp phần cùng với toàn quân, toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đấu tranh thống nhất nước nhà đến thắng lợi hoàn toàn.